Biết chấp nhận con người thật của mình – Dễ hay khó?
Trong Nhà
Th 5 18/08/2022
6 phút đọc
Nội dung bài viết
Tâm kiêu mạn là bản năng, còn tính kiên nhẫn lại cần được trưởng dưỡng. Lòng kiên nhẫn có thể giúp bạn kiểm soát tham muốn, bình tâm và hài lòng với những gì mình đang có.
Nếu bạn biết chấp nhận con người thật của mình, mọi phút giây trong cuộc sống sẽ trở thành cơ hội hay đơn giản là sự trải nghiệm. Khi sống với tâm khiêm nhường, dù ai nói gì, bạn đều lắng nghe và chấp nhận.
Ví dụ, bạn không cần phải tự hào về những khả năng hay thành quả của mình mà chỉ xem chúng là công cụ giúp bạn hoàn thành tốt công việc của mình mà thôi. Chúng không nói lên giá trị con người bạn.
Giả sử bạn là một chuyên gia máy tính, bạn không nên tự hào về điều đó vì có thể bạn lại có một giọng ca rất tệ, và khi hát, bạn không thể khoe rằng mình là cao thủ máy tính. Trong cuộc sống, có những lĩnh vực mà ta hoàn toàn không biết gì – đó là điều khá khôi hài.
Bạn nên biết rằng có những lúc chúng ta là chuyên gia, lúc khác chúng ta chỉ là một kẻ vô danh, tất cả mọi người đều như vậy cả.
Đối với nhiều người, cảm giác vô dụng thật đáng xấu hổ. Thực ra đó là do lòng kiêu hãnh của chúng ta xui khiến. Bản ngã bị tổn thương và nó khiến chúng ta trở nên e dè, sợ để lộ yếu điểm của mình hoặc khiến ta cảm thấy bất lực.
Bởi vậy, nếu có thể buông xả bám chấp thì việc bạn là một chuyên gia giỏi hay không cũng không còn quá quan trọng.
Bạn nhận ra rằng nếu có thể phát huy hết tài năng của mình phục vụ cho mọi người thì thật tuyệt vời, nhưng cũng không phiền lòng nếu mình không biết một lĩnh vực nào đó. Bạn sẽ không bị dằn vặt bởi điều đó mà để ý nghĩ đó tan biến.
Thực hành nhẫn nhịn là cánh cửa dẫn đến giác ngộ giải thoát
Lòng kiên nhẫn giúp ta biết suy ngẫm và hít thở. Trong một cuộc tranh luận, sự kiên nhẫn giúp bạn cân bằng để tìm thấy sự thỏa hiệp hay chấp nhận.
Mọi điều trên thế gian này trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều khi được nhìn với tâm kham nhẫn. Ngược lại, nếu không cho mình một cơ hội để hít thở sâu và suy ngẫm, ham muốn của bạn sẽ thống trị và sân giận sẽ bùng phát. Và nếu bạn luôn cảm thấy bực bội, khó chịu thì cuộc sống sẽ vô cùng khó khăn.
Với tâm nhẫn nhịn và bao dung, cuộc sống của bạn trở nên phong phú, đẹp đẽ hơn. Tuy nhiên, chúng ta không dễ chấp nhận sự thật này. Bởi vậy mà cuộc sống của chúng ta giống như một chiếc bàn cũ ọp ẹp.
Tôi từng có một chiếc bàn ăn cũ kiểu Anh mà mỗi khi đụng vào, nó lại lung lay và kêu cót két. Tôi không dám đặt vật gì nặng lên vì sợ nó bị sập. Cuộc sống thiếu vắng sự nhẫn nhịn và lòng bao dung cũng y như vậy.
Sự kiên nhẫn là nền tảng vững chắc của cuộc sống. Dù bất cứ điều gì xảy ra, bạn cũng không bận lòng, bình thản đón nhận và không bao giờ đánh mất dũng khí, ngay cả khi phải trải nghiệm khổ đau.
Lòng kiên nhẫn là chỗ dựa cho chúng ta những lúc đau khổ
Khi có lòng kiên nhẫn, chúng ta không bao giờ đầu hàng và nản chí. Chúng ta kiên trì thực hành thiện hạnh và suy nghĩ thiện lành. Chúng ta biết nghĩ cho những người cùng cảnh ngộ với mình.
Chúng ta ban trải lòng từ bi, tình yêu thương đến với họ với niềm hy vọng rằng họ sẽ không phải chịu đựng khổ đau như mình.
Ngay cả khi chúng ta hạnh phúc, lòng kiên nhẫn cũng vô cùng lợi ích vì con người dễ bị thành công hay hạnh phúc cuốn trôi. Lòng kiên nhẫn giúp bạn cân bằng trở lại.
Nếu bạn là người đầy kiêu hãnh hoặc không bao giờ cảm thấy thỏa mãn và luôn muốn nhiều hơn, hạnh nhẫn nhục sẽ giúp bạn lùi lại một bước, tự soi lại mình, tĩnh tâm và hài lòng với những gì mình đang có.
Hạnh phúc, khỏe mạnh, giàu có đều là điều tuyệt vời, nhưng với tâm kiên nhẫn, bạn có thể buông bỏ ngã mạn và nhận ra rằng vạn pháp thế gian vốn vô thường.
Bạn sẽ biết trân trọng tri ân những thiện nghiệp của mình, thay vì tự mãn và xem thường người khác. Tâm kiêu mạn là bản năng, còn tính kiên nhẫn cần được trưởng dưỡng.
Tâm kiêu mạn đối lập với sự nhẫn nhịn
Ngã mạn luôn thích khoe khoang, chỉ bảo nên khi kiêu mạn chúng ta không nghe thấy người khác nói gì. Tâm kiêu mạn khiến bạn nghĩ rằng mình là người thông thái, uyên bác và hơn người.
Thái độ cứng nhắc này khiến bạn đánh mất cơ hội tiếp nhận. Tâm kiêu mạn chiếm hữu rất nhanh, thích phán xét và nhìn nhận sự việc theo cách nhìn của bản ngã. Lòng kiên nhẫn chính là sự buông bỏ ngã mạn.
Khi thực hành xả ly và buông bỏ những chấp trước trong tâm, ví dụ như bám chấp vào sở hữu tài sản, con người, cảm xúc hay thế giới quan của mình, bạn sẽ bắt đầu thay thế tâm kiêu mạn bằng hạnh khiêm nhường.
Chừng nào vẫn còn thái độ bám chấp vào cơ thể, diện mạo, tuổi trẻ, tài sản hay bất cứ thứ gì của mình, chừng đó bạn chưa thể khiêm nhường.
Thực hành xả ly giúp tâm hồn và trái tim ta rộng mở để đón nhận những bài học tuyệt vời của cuộc sống. Nó sẽ giúp bạn gỡ bỏ những rào cản, bởi bạn nhận ra rằng mục đích của những bài học ấy không phải để gây tổn thương hay làm bạn bẽ bàng.
Trích ấn phẩm: “Sống Trí Tuệ”
Tác giả: Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa
Drukpa Việt Nam biên soạn và phát hành 2/2019
(Nguồn: drukpavietnam.org)