Thế nào là từ thiện “Lạc mà không lạc”?
Trong Nhà
Th 5 18/08/2022
4 phút đọc
Nội dung bài viết
Nhà Phật dạy rằng bố thí có ba thứ: người cho, người nhận và cái được bố thí. Tốt nhất là theo kiểu đầu tiên – “tam luân thể không”. Tốt nhì là theo kiểu hiểu về nhân quả. Tốt thứ ba là không bám chấp vào kết quả.
Giỏi nhất là bố thí “tam luân thể không”
Tốt nhất là theo kiểu đầu tiên – “tam luân thể không”. Cả người cho, người nhận và cái được cho hay hành động cho đều là không, đều không thực sự có thật, mình làm như không luôn, vừa làm như không làm. Nó chỉ hiện ra mà không có thật, giống như trong một bộ phim hay trong một giấc mơ.
Nếu làm được như vậy là tối ưu nhất, làm được như vậy là điều tốt nhất mình có thể làm, vì khi mình tin từ thiện như vậy, mình chả bám chấp vào cái gì hết, không bám chấp vào tôi, vào người, vào bố thí.
Như vậy, càng từ thiện thì càng tăng trưởng trí tuệ, càng lợi lạc. Đấy là cách từ thiện tốt nhất!
Tốt nhì là theo kiểu hiểu về nhân quả
Khi từ thiện, không thấy có tôi, không vì tôi. Hiểu rằng hành động này chỉ là nhân quả mà thôi, tôi chẳng đặc biệt hơn ai, tôi chẳng hơn ai cái gì; người ta và tôi bình đẳng, nhân quả chỉ xảy ra mà thôi.
Từ thiện chẳng chứng tỏ mình đặc biệt, mình giỏi, mà cũng chẳng cần chứng tỏ mình tốt. Từ thiện không phải do tôi giỏi, tôi tốt, tôi giàu hay tôi hay. Từ thiện chỉ là hoạt động tự nhiên của nhân quả, do nhân quả mà xảy ra, chả phải có ai hay, ai giỏi.
Giống như ở đâu có lửa cháy thì có nước để dập, cứ tự nhiên thế thôi, tự nhiên xảy ra. Nhân quả làm việc ấy, chả có ai đặc biệt làm nên hoạt động từ thiện này. Riêng hành động như vậy đã là giỏi lắm rồi, tốt lắm rồi.
Đi làm từ thiện mà lại thấy rằng đây là hoạt động nhân quả. Nên không có ai đặc biệt ở đây hết. Không ai trở nên đặc biệt, hơn người, tốt bụng ở trong câu chuyện từ thiện. Nó chỉ là một câu chuyện nhân quả mà thôi thì nên từ thiện.
Tốt thứ ba là không bám chấp vào kết quả.
Làm mà gieo nhân rất cẩn thận nhưng không bám chấp vào kết quả, làm xong là quên luôn, không bám chấp nữa.
Còn những cái nên tránh khi làm từ thiện là làm vì tôi, làm từ thiện nhưng động cơ của nó là để chứng minh tôi tốt, tôi tử tế, tôi đặc biệt hoặc làm để cái tôi an lòng.
Một số người làm từ thiện để an tâm là mình cũng đã làm từ thiện rồi, có phước rồi… Tất cả những thứ đó đều vì cái tôi hết nên đừng làm, hãy sửa động cơ rồi hẵng làm!
Khi thầy nói đừng nên làm không có nghĩa là không làm từ thiện mà là sửa động cơ sai lầm đi rồi làm. Như vậy mình sẽ làm mà không bị lạc, khi đấy mình sẽ có sự an lạc.
Mình an lạc rất tự nhiên. Khi mình làm một việc gì đấy vì người khác thì an lạc tự tìm đến mình, mình không phải cố đi tìm an lạc, không phải cố để nắm bắt an lạc.
Khi mình làm bất cứ điều gì cho người khác, hoàn toàn vị tha, vô ngã thì mình an lạc. Đấy là từ thiện “lạc mà không lạc”. Từ thiện an lạc mà không bị lạc là như vừa xong.
Phóng sinh cũng như vậy, phóng sinh “lạc mà không lạc”. Phóng sinh đúng cách, biết cách làm thì sẽ an lạc mà không bị lạc lối.
Trích Trà đàm: “Nhập thế, lạc mà không lạc” – TP.HCM, 2017
Nguồn: Trong Suốt