Sống thế nào trong thời đại thực phẩm bẩn và môi trường ô nhiễm?
Trong Nhà
Th 5 18/08/2022
6 phút đọc
Nội dung bài viết
Hỏi: Trong thời đại thực phẩm bẩn và môi trường sống ô nhiễm thì ăn uống, hít thở, tập luyện như thế nào để vẫn đảm bảo có sức khoẻ mà không phải lo lắng, sợ hãi?
Thầy Trong Suốt: Đã là thời thực phẩm bẩn thì tránh cũng chẳng tránh được. Bởi vì những người trồng trọt, có bao nhiêu người có ý thức đâu, ít lắm. Kể cả nhà có người ung thư rồi cũng không có ý thức, họ vẫn cầm bình thuốc sâu, phụt ầm ầm. Xong rồi bán cho mọi người ăn đấy. Hà Nội thì ô nhiễm nhất Việt Nam, chắc là nhất nhì Châu Á, nên không thoát được đâu! Mình đã tái sinh vào đất nước này, mình sẽ phải cộng nghiệp, chia sẻ nghiệp với đất nước này.
Tuy nhiên có một nguyên tắc mọi người có thể áp dụng được là:
1. Sống biết đủ
Mình tiêu xài càng nhiều, thực phẩm bẩn vào người càng nhiều, nên mình tiêu xài vừa thôi, ăn uống vừa thôi. Mình sống một cách biết đủ. Thực ra chất gây ung thư không chỉ trong thực phẩm bẩn đâu, mà có thể đến từ những đồ mình mặc trên người này luôn. Các chất gây ung thư có trong tất cả môi trường sống của mình. Nên là mình biết đủ. Nói một cách dễ hiểu là mình sống đơn giản, tiêu xài ít đi, tiêu thụ hạn chế thôi.
2. Hiểu là nghiệp thì không tránh được
Nếu nhân quả là ung thư đến thì vấn đề của mình không phải là tránh ung thư, không phải là làm thế nào để sống thật lâu hơn. Vật chất thì do nhân quả, mình khó tránh lắm. Ai cũng thế, bất kỳ ai, bất kỳ lúc nào, không ai biết. Vấn đề là mình đối diện với nó mà không sợ hãi – đấy là tinh thần. Mình có thể có tinh thần không sợ hãi, lạc quan, bình tĩnh.
3. Muốn bình tĩnh, lạc quan, không sợ hãi thì mình tu hành
Chấp nhận
Đi vào tu hành thì dần dần mình thấy đầu tiên là mình chấp nhận được bệnh tật. Bệnh tật là một sản phẩm rất tự nhiên của nhân quả, nên mình chấp nhận nó một cách rất bình thường, thay vì việc mình cho nó là bất thường đối với thế giới.
Ai chẳng có bệnh, bệnh nặng, bệnh nhẹ – bệnh là tác phẩm của nhân quả, có gì mà phải sợ? Nên mình không còn phải căng thẳng bởi ung thư nữa – “Không biết món ăn này có bị ung thư không nhỉ?”. Nếu đã có nghiệp bị ung thư thì ung thư, thế thôi! Ăn hay không ăn cũng bị ung thư mà. Không ăn món đấy thì cũng bị ung thư, mà ăn món đấy cũng bị ung thư. Nên mình thả lỏng bên trong mình ra.
Chỉ là những câu chuyện
Còn nếu mình đi xa hơn nữa về Phật Pháp, mà mình nên đi xa hơn nữa, thì mình thấy rằng chẳng có ai bị bệnh cả. Khi chúng ta cùng ngồi đây, cùng hít không khí ở đây, uống nước, vui vẻ cười nói ở đây, có gì khác nhau đâu? Chẳng có gì khác nhau ngoài việc hỏi ”Đời bạn thế nào?” thì ra những câu chuyện cuộc đời khác nhau. Hỏi thằng cu này ra câu chuyện khác, hỏi cô gái kia ra câu chuyện khác. Tất cả những người ngồi đây chỉ khác nhau câu chuyện thôi – câu chuyện cuộc đời.
Ung thư cũng thế thôi, có trầm trọng mấy cũng chỉ là một câu chuyện mà thôi. Có người bị ung thư nhưng chưa chết, có người chưa ung thư nhưng sắp chết đến nơi rồi, có người thì đang sống mà đã “chết” mấy chục năm nay rồi…
Chúng ta không nên trầm trọng hoá ung thư, vì chúng ta có thể đạt đến trình độ để thấy rằng chẳng có ai ở đây hết, chẳng có người nào ngồi đây cả. Tất cả chỉ là những câu chuyện.
Như một giấc mơ
Đi xa hơn nữa thì thấy nó giống như trong một giấc mơ. Trong giấc mơ, có người đến gặp mình và bảo: “Bạn ơi, tôi bị ung thư” – cũng chỉ là trong một giấc mơ mình mơ ra mà thôi. Thế thì chẳng có gì đáng sợ!
Do trình độ tu hành mà mình sẽ thay đổi. Từ một người sợ hãi bệnh tật thành một người không sợ hãi bệnh tật nữa. Và thực chất mà nói, cuối cùng thước đo tu hành nằm ở đâu? Thước đo của sự tiến bộ là người ta còn sợ hãi hay không? Hết sợ hãi là kết quả tu hành. Còn sợ hãi thì phải tu tiếp. Thế thôi!
Kết quả là chẳng sợ
Câu trả lời cho câu hỏi “Làm thế nào để tránh thực phẩm bẩn?” – hỏi thầy thì thầy bảo chẳng sợ, bẩn thì bẩn, sống chung với lũ mà. Sống trong đất nước Việt Nam, ăn đồ ăn Việt Nam, bẩn thì bẩn của Việt Nam. Cái mình quan tâm không phải là bẩn hay không bẩn, quan trọng là mình có sợ không? Thầy chẳng thấy có gì đáng sợ, ung thư không đáng sợ, ăn thực phẩm bẩn cũng chẳng đáng sợ. Tất nhiên mình cũng phải phòng tránh, đương nhiên!
Nhưng liệu mình có phòng tránh được hết không? Đằng nào cũng phải ăn đúng không? Không ít thì nhiều, vậy ăn trong trạng thái nào? Ăn cái gì cũng sợ cái đấy à? Một số người thì sống lúc nào cũng sợ hãi, ăn cái gì cũng sợ cái này bẩn hay không bẩn. Như vậy chưa kịp chết vì ung thư, đã chết vì sợ. Suốt ngày sợ mà!
Sao mình không sống một cách tự nhiên, tự do, tự tại, không sợ hãi, tránh thực phẩm bẩn nhưng cũng không sợ thực phẩm bẩn. Ai chẳng phải ăn đúng không? Ăn để sống mà, có ai đảm bảo là không có bẩn không? Nên đừng để rơi vào trạng thái là chưa chết vì ung thư đã chết vì sợ bẩn. Đấy!
*Trích Hỏi đáp trong thực hành thiền và tâm linh (2/2018 – Đà Nẵng).
Đọc bài đầy đủ tại đây.
(Nguồn: trongsuot.com)